Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Những biến chứng gây nguy hiểm ở bệnh thủy đậu

Thủy đậu là một trong những bệnh có khả năng lây lan thành dịch cao nhất. Nhất là khi đối tượng mắc bệnh chủ yếu lại là trẻ em. Đối với những trẻ đã đến trường, khả năng lây nhiễm tập thể qua tiếp xúc rất cao, vì bệnh nhân thủy đậu có thể truyền bệnh cho người khác trong vòng 1 - 2 ngày trước khi có ban xuất hiện. Tức là ngay cả khi người đó chưa nổi mụn nước thì đã có thể lây bệnh cho người khác mà không hay biết.

bien-chung-cua-benh-thuy-dau

Biến chứng của bệnh thủy đậu

Thủy đậu tuy là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây nhiều biến chứng trong những trường hợp bị nặng và không được chăm sóc, chữa trị phù hợp. Những biến chứng nguy hiểm từ gây sẹo vĩnh viễn cho đến tử vong luôn khiến các bậc phụ huynh có con nhỏ lo lắng mỗi khi đến mùa dịch bùng phát.

Những biến chứng nghiêm trọng của bệnh thủy đậu:

Nhiễm trùng nốt đậu:

Khi mắc bệnh, trên khắp cơ thể bệnh nhân sẽ xuất hiện những nốt mụn nước, hầu hết đều mang vi khuẩn và mầm bệnh, khi nốt đậu bị vỡ rất dễ gây lở loét da, đau nhức và nếu không được điều trị tích cực và đúng cách có thể để lại sẹo xấu vĩnh viễn trên da gây mất thẩm mỹ.

Nhiễm trùng huyết:

Đây là nguyên nhân khiến các phụ huynh muốn tuyệt đối “tránh xa” bệnh thủy đậu đi vì đây là biến chứng làm cho sức khỏe của trẻ suy sụp rất nhanh và nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Viêm não, viêm màng não:

Viêm não, viêm màng nào do thủy đậu tuy hiếm gặp nhưng thường để lại những dư chứng nặng nề như bại não, điếc, chậm phát triển tâm thần, động kinh… gây ra gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội. Tỉ lệ tử vong chiếm 5 - 20%, ngay cả khi được cứu sống vẫn có thể để lại di chứng nặng nề hoặc phải sống đời thực vật trong suốt tháng ngày còn lại.

Viêm phổi:

Viêm phổi hay gặp ở người lớn hơn là trẻ em và thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh. Viêm phổi có thể diễn tiến nhẹ, hồi phục nhưng cũng có thể diễn tiến nặng dẫn tới suy hô hấp, phù phổi... và nguy hiểm đến tính mạng.

Đối với phụ nữ mang thai:

Đối với các mẹ mắc bệnh khi mang thai dưới 20 tuần sinh con ra sẽ có một tỉ lệ nhỏ (khoảng 2%) bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh như sẹo da, nhẹ cân, các bệnh về mắt (như đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc...), tay chân ngắn, đầu bé, chậm phát triển tâm thần...

Đối với những người mẹ bị thủy đậu trong khoảng thời gian trước sinh 5 ngày đến sau sinh 48 giờ, trẻ sinh ra dễ mắc bệnh thủy đậu chu sinh và có tỉ lệ tử vong cao (khoảng 30%).

Lợi ích của việc tiêm vắcxin ngừa thủy đậu

Tiêm vắcxin phòng bệnh thủy đậu là một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Vắcxin đã được chứng minh là có hiệu quả bảo vệ cao (trên 97%) và kéo dài trong suốt cuộc đời. Mặt khác, tiêm vắc-xin thủy đậu cũng đồng nghĩa với việc giảm tỉ lệ mắc phải những căn bệnh là biến chứng của thủy đậu.

Ngoài ra, đây còn được xem là phương pháp nhanh gọn, hiệu quả và giảm đến mức thấp nhất mức độ thiệt hại về sức khỏe, kinh tế trong mùa bùng dịch.

Lịch tiêm vắcxinTất cả trẻ em từ 12 - 18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.- Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào, cũng tiêm 1 lần.- Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào, thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4 - 8 tuần.

LAN VI

Bổ sung vitamin D ở trẻ nhỏ như thế nào?

Bệnh còi xương hay xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, trẻ đẻ non, thiếu cân. Nguyên nhân chủ yếu gây còi xương ở trẻ là tình trạng thiếu ánh sáng mặt trời khiến chotiến trình tự tổng hợp vitamin D của cơ thể trẻ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, còn do chế độ ăn uống không hợp lý như không được bú sữa mẹ thường xuyên, hay bị tiêu chảy làm giảm hấp thu vitamin D.

Các biểu hiện của còi xương thay đổi tùy theo từng thời kỳ tiến triển. Ở giai đoạn sớm, trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, vã nhiều mồ hôi cả lúc thức lẫn lúc ngủ, có dấu hiệu rụng tóc hình vành khăn. Giai đoạn muộn, xương sọ có dấu hiệu miềm, thóp trước rộng, bờ mềm, chậm kín; có bướu ở trán, ở đỉnh đầu làm đầu to ra.Trẻ chậm mọc răng, lồng ngực có khi biến dạng như ngực gà. Các đầu xương dài bị bè ra; chân cong kiểu vòng kiềng hoặc choãi ra như chữ X. Cột sống có thẻ bị gù vẹo; xương chậu bị biến dạng hẹp. Bụng của trẻ thường bị to bè. Trẻ bị còi xương thường chậm biết ngồi, biết đi. Nếu bệnh nặng, có thể xuất hiện những cơn giật do hạ canxi máu. Ở giai đoạn muộn, bệnh còi xương thường để lại những di chứng không tốt về sau.

Bổ sung vitamin D ở trẻ nhỏ như thế nào? 1

Để phòng bệnh còi xương ở trẻ, với người mẹ trong thời gian mang thai và cho con bú cần phải “tắm nắng”, nghĩa là cần có thời gian hoạt động ngoài trời, có chế độ ăn uống đầy đủ. Vào những tháng cuối của thời kỳ mang thai nên ăn thêm các thức ăn có chứa vitamin D hoặc uống thêm dầu cá. Có thể phòng bệnh bằng uống vitamin D trong quí cuối cùng của thai kỳ từ 100 - 1.200 đơn vị vitamin D/ngày hoặc một lần duy nhất 100.000 đơn vị đến 200.000 đơn vị từ tháng thứ 7, nếu mẹ không có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Đối với trẻ, về mặt dinh dưỡng tốt nhất là cho trẻ bú bằng sữa mẹ. Khi cho trẻ ăn sam cần đảm bảo bữa ăn đa dạng, đủ chất. Đối với trẻ được chăm sóc chu đáo, từ 6 tuần tuổi đến 18 tháng tuổi dùng liên tục mỗi ngày 800 -1.000 IU (nếu trẻ khỏe mạnh), 1.500 IU (nếu trẻ ít được ra nắng) và 2.000 IU (nếu thấy trẻ có màu da thẫm). Trẻ 18 - 60 tháng tuổi chỉ sử dụng liều trên trong mùa sương mù, ít ánh nắng.

Nếu trẻ không được chăm sóc chu đáo thì nên dùng liều cao cách nhau một thời gian (6 - 18 tháng). Cứ 6 tháng cho uống 1 liều 200.000 IU. Trẻ 18 - 60 tháng dùng liều duy nhất vào đầu mỗi mùa đông trong năm.

Với trẻ sinh thiếu tháng, từ ngày thứ 8 sau sinh cần cho uống 1.500 IU/ngày cho tới 18 tháng. Sau đó tiếp tục phác đồ bình thường.

Đối với trẻ còi xương, uống 1.200 - 5.000 IU/ngày trong 4 tuần, sau đó tiếp tục dùng liều dự phòng.Dùng 500mg canxi/ngày đối với nhũ nhi; 1.000 mg canxi/ngày đối với trẻ trên 2 tuổi, uống 7 - 10 ngày.

Lưu ý: Khi cho trẻ uống vitamin D phải có chỉ định của bác sĩ.

Trong quá trình điều trị, cần chú ý phát hiện các dấu hiệu ngộ độc vitamin D như chán ăn, buồn nôn, tăng canxi máu.... Nếu có các dấu hiệu trên cần thông báo cho bác sĩ biết để có biện pháp xử lý thích hợp.

Dược sĩHoàng Thu Thủy

Phòng bệnh do vi rút Zika lây truyền từ muỗi chưa có thuốc trị

Bệnh do vi rút Zika là bệnh gì?

Bệnh do vi rút ZIKA do một loại vi rút được ghi nhận đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng ZIKA của Uganda gây nên; bệnh thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Phương thức lây truyền chủ yếu của vi rút ZIKA là qua muỗi Aedes (loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết), có một số bằng chứng có thể gợi ý vi rút có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, tuy nhiên sự ghi nhận là rất hiếm. Thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày.

Vi rút ZIKA được phát hiện đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng ZIKA của Uganda, sau đó tiếp tục ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và trở thành chủng vi rút lưu hành ở nhiều nước khu vực châu Phi. Tại châu Á cũng đã ghi nhận trường hợp mắc đầu tiên vào năm 2007 tại đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia. Năm 2013, ghi nhận ổ dịch đầu tiên tại French Polynesia, sau đó lây lan ra các đảo khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả New Caledonia, đảo Cook, đảo Easter; trong năm 2013, Thái Lan cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh do vi rút ZIKA ở một số tỉnh, thành phố và Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho rằng vi rút ZIKA có thể đã lưu hành tại Thái Lan

Bệnh do vi rút Zika gây ra lây truyền từ muỗi hiện chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin phòng bệnh

Trong năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do vi rút ZIKA tại một số quốc gia khu vực châu Mỹ, châu Phi như: Guatemala, Elsalvador, Venezuela, Senegal, Honduras, Panama, Brasil. Hầu hết các trường hợp nhiễm vi rút ZIKA có biểu hiện triệu chứng nhẹ và vừa hoặc không có biểu hiện triệu chứng do đó nhiều trường hợp mắc bệnh có thể không phát hiện được; hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn và chưa ghi nhận trường hợp tử vong do vi rút ZIKA. Tuy nhiên, một số thông tin về dịch tễ học liên quan đến bệnh do vi rút ZIKA tại Brasil gần đây đã dấy lên sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới về ảnh hưởng của vi rút ZIKA đối với thai nhi. Theo đó, ngày 22/12/2015, Bộ Y tế Brasil thông báo nước này ghi nhận 2.782 trường hợp nghi ngờ mắc chứng não nhỏ, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Đây là sự gia tăng đáng kể (gấp khoảng 10 lần) số trường hợp mắc chứng não nhỏ tại Brasil so với các năm trước đó. Trong số các trường hợp mắc chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh có một số trường hợp xét nghiệm dương tính với vi rút ZIKA, đồng thời cũng có nhiều trẻ xét nghiệm âm tính với vi rút ZIKA. Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới đang phối hợp với Bộ Y tế Brasil điều tra và đánh giá mối liên quan giữa vi rút ZIKA và chứng não nhỏ; tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân có thể liên quan đến chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh như các nhiễm trùng, nhiễm độc tố của bà mẹ trong quá trình mang thai, những lỗi của gen, … ; do đó có thể mất nhiều thời gian để xác định chính thức mối liên quan này.

Tại Việt Nam hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút ZIKA; tuy nhiên nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes, đây là muỗi truyền vi rút ZIKA, đồng thời hiện nay vi rút ZIKA đã ghi nhận tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, nơi có sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn nên nguy cơ vi rút ZIKA có thể xâm nhập và lan truyền tại nước ta. Hiện Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới để theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh ở nước ta.

Hiện nay, bệnh do vi rút ZIKA chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh; do đó, việc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế sự lây truyền của bệnh bằng cách diệt muỗi truyền bệnh và các ổ chứa của muỗi, bọ gậy là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh.

Phòng bệnh do vi rút Zika gây nên bằng cách nào?

Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút ZIKA xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Cơ quan đầu mối IHR – Cục Y tế dự phòng

NV

Đối phó với đục thủy tinh thể bẩm sinh

Nói đến đục thủy tinh thể, người ta thường nghĩ đó là bệnh hay gặp của người già. Ít ai biết rằng, nhiều em nhỏ vừa mới sinh ra đã mắc bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh. Nếu phát hiện và điều trị muộn thì khi lớn lên, dù được thay thủy tinh thể thì thị lực cũng rất kém. Vì thế, việc phát hiện sớm vô cùng quan trọng để giữ thị lực cho trẻ. Thực tế nhiều trường hợp đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ em đã bị bỏ qua, chỉ được phát hiện một cách tình cờ nên việc khôi phục thị lực cho trẻ kém hiệu quả.

Biểu hiện sớm của đục thủy tinh thể bẩm sinh

Thuỷ tinh thể là một thấu kính trong, 2 mặt lồi, công suất khoảng +20D. Đây là một tổ chức trong suốt, không có mạch máu, không có thần kinh. Dinh dưỡng của thủy tinh thể chủ yếu nhờ vào thẩm thấu qua bao của nó. Triệu chứng sớm của đục thủy tinh thể bao gồm:

Thị lực giảm:

Trẻ thường quờ quạng, nếu lớn hơn có thể đo thị lực để xác định mức độ mờ mắt. Thị lực giảm tỉ lệ thuận với mức độ đục thuỷ tinh thể.

Loá mắt: Đục thủy tinh thể bắt đầu thường gây loá mắt, gây khó chịu cho người bệnh. Sự khó chịu này đặc biệt xảy ra ở hình thái đục thể thủy tinh dưới bao sau.

Mắt nhìn gần tốt hơn so với trước đó: Mắt bị đục thủy tinh thể ban đầu có xu hướng cận thị hoá, do vậy khả năng nhìn gần của mắt tốt lên.

Lác mắt: Trong nhiều trường hợp đây là một trong các lý do khiến bệnh nhi đi khám bệnh, nguyên nhân là do đục thủy tinh thể, mắt đó bị nhược thị và lác. Bệnh nhi cần được khám chuyên khoa mắt để xác định chẩn đoán và làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân, các xét nghiệm chuẩn bị cho cuộc mổ và các xét nghiệm đánh giá chức năng của mắt như đo thị lực, nhãn áp, điện võng mạc. Siêu âm mắt là một xét nghiệm không thể thiếu giúp chẩn đoán và tiên lượng kết quả phẫu thuật.

Cần phẫu thuật sớm để tránh biến chứng

Các thuốc hạn chế tốc độ đục thủy thể tinh (như catacol, catastart...) chưa được khuyến cáo dùng cho trẻ em. Nên tiến hành phẫu thuật sớm, khi có chỉ định, để phòng nhược thị, lác, rung giật nhãn cầu. Hiện có hai phương pháp phẫu thuật đang được áp dụng trong lâm sàng nhãn khoa ở Việt Nam và trên thế giới, đó là phẫu thuật lấy thủy tinh thể ngoài bao, đặt thủy tinh thể nhân tạo và phẫu thuật tán nhuyễn thủy tinh thể bằng siêu âm, đặt thủy tinh thể nhân tạo. Để hạn chế các biến chứng sau mổ, hiện nay, người ta làm phẫu thuật cắt bao sau và cắt dịch kính ngay sau khi đặt thủy tinh thể nhân tạo.

Chăm sóc bệnh nhân sau mổ

Bệnh nhân cần được khám và theo dõi định kỳ. Nếu có nhược thị thì cần phải điều trị kịp thời (một trong các phương pháp hay dùng là bịt mắt lành, để mắt nhược thị được tập luyện). Phương pháp điều trị sẽ có nhiều kết quả nếu bệnh nhân được điều trị sớm, sự kiên trì của bệnh nhân và sự phối hợp của gia đình.

Tóm lại, về mặt điều trị ngày nay đã có rất nhiều tiến bộ. Nhiều bệnh nhân đã phục hồi thị lực và thị giác 2 mắt sau mổ. Vấn đề là ở chỗ bệnh nhân cần được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, có như vậy mới giảm được tỷ lệ mù do đục thủy tinh thể bẩm sinh.

PGS. TS.BS.Trần An (Bệnh viện Mắt TW)

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Tập luyện phục hồi chức năng: Liệu pháp điều trị thoái hóa khớp

Khi được hỏi về lợi ích của các liệu pháp điều trị thoái hóa khớp khác nhau, các chuyên gia châu u đặt tập luyện phục hồi chức năng lên hàng đầu, trên cả phẫu thuật khớp, thuốc giảm đau và giáo dục kiến thức về bệnh cho bệnh nhân.

Tập luyện phục hồi chức năng (PHCN) là biện pháp điều trị hiệu quả đối với thoái hóa khớp thông qua một số cơ chế. Các hoạt động cơ làm giảm đau thông qua cơ chế tương tác tương tự như châm cứu. Đó là làm tăng nồng độ endophin trong não làm giảm cảm giác đau. Tăng sức mạnh của cơ và cải thiện chức năng thần kinh cơ giúp tăng sự ổn định xung quanh khớp và giúp giảm tải lên khớp. Nghiên cứu cho thấy, 4 tháng tập luyện phục hồi chức năng không chỉ cải thiện sức mạnh cơ mà còn cải thiện chất lượng của sụn khớp gối. Tập luyện thường xuyên còn giúp giảm cân từ đó giúp giảm trọng tải lên khớp.

Liệu pháp điều trị thoái hóa khớp 1

Đạp xe là phương pháp tập phù hợp nhất đối với người thoái hóa khớp. (Nguồn internet)

Tuy nhiên, quá trình tập luyện rất dễ bị thất bại. Bệnh nhân thường khó duy trì việc tự tập luyện khi triệu chứng đau đã giảm mặc dù đã được bác sĩ phục hồi chức năng hướng dẫn. Để đạt được hiệu quả, tập luyện phục hồi chức năng và hoạt động thể lực phải được thực hiện thường xuyên.

Phương pháp tập luyện PHCN

Thoái hóa khớp là một bệnh mạn tính. Việc tập luyện PHCN phải được đưa vào cuộc sống hằng ngày và quan trọng nhất là lựa chọn hình thức tập phù hợp cho từng bệnh nhân. Để tạo thuận lợi cho việc tập luyện, bệnh nhân nên được đánh giá ban đầu và ở từng giai đoạn, nhằm điều chỉnh chương trình tập luyện cho phù hợp và nhằm tối ưu hóa lực tải đè ép lên các khớp bị ảnh hưởng. Điều đó có thể đạt được thông qua các bài tập tăng sức cơ, làm tăng sức ép lên các yếu tố thần kinh cơ, mà ít gây tải trọng lên khớp. Khi bắt đầu tập luyện, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau tăng lên. Tuy nhiên, tình trạng đau sẽ giảm dần sau khi tập và sẽ không tăng theo thời gian. Trong giai đoạn này, bệnh nhân cũng có thể được áp dụng các biện pháp giảm đau tạm thời như điện phân, sóng ngắn, hồng ngoại, paraphin, châm cứu... Một hình thức tập luyện đã được chứng minh tính hiệu quả và dễ được áp dụng là đạp xe, khi đó các cơ được vận động tối đa mà rất ít gây tải trọng lên các khớp.

Yếu tố nguy cơ quan trọng đối với thoái hóa khớp là chấn thương. Do chấn thương khớp thường xảy ra trong khi hoạt động thể lực, vì vậy tốt nhất nên xem xét các hoạt động thể lực nào là phù hợp. Chấn thương thường xảy ra trong bóng đá và các môn thể thao khác như cầu lông, tennis, bóng bàn..., do đó bệnh nhân thoái hóa khớp nên tránh tập luyện các môn thể thao này.

Bệnh nhân thoái hóa khớp toàn bộ hoặc đau cơ xơ có phản ứng mạnh đối với tập luyện, cần được chỉ định cường độ rất thấp trong thời gian dài và hiệu quả thường không bằng thoái hóa khớp ở các khớp riêng lẻ. Các chỉ định cho bệnh nhân thoái hóa khớp trong bài không thích hợp cho các nhóm bệnh này.

Các hình thức tập luyện PHCN phù hợp

Đạp xe ngoài trời hoặc đạp xe tại chỗ: Là hình thức tập luyện hiệu quả giúp kích thích các nhóm cơ lớn ở chân với mức độ tải trên khớp thấp. Các dữ liệu cho thấy đây là hình thức tập luyện phù hợp nhất và giúp tăng sức mạnh cơ đồng thời giảm bệnh tật. Tuy nhiên, vị trí của yên xe và tay lái rất quan trọng. Yên xe nên được điều chỉnh sao cho khi duỗi gối hết mức, gối gập 1 góc từ 0 - 15 độ. Nên gắn thêm đồng hồ theo dõi tốc độ. Nên chọn xe có yên ngồi thoải mái, đồng thời có thể dễ dàng điều chỉnh yên xe và tay lái.

Đi bộ: An toàn cho hầu hết bệnh nhân, dễ thực hiện, không tốn chi phí. Cải thiện sức khỏe, giảm đau và chống trầm cảm. Nhưng không phù hợp với thoái hóa khớp nặng ở các vị trí hông, gối và mắt cá chân.

Đi bộ với gậy: Phương pháp này cũng giúp cải thiện nhanh hơn so với đi bộ không có gậy. Cũng có hiệu quả cho các bệnh lý ở cổ và lưng. Cần chú ý: Lựa chọn độ dài gậy thích hợp để hãm tốt và chuyển động theo kiểu con lắc một cách thoải mái, giúp không làm đau vai. Gậy nên cao hơn 1m trên khuỷu tay khi đứng thẳng với cánh tay xuôi dọc theo cơ thể. Chọn gậy có thể điều chỉnh được độ dài.

Chạy bộ: Chưa đủ bằng chứng khoa học trên bệnh nhân thoái hóa khớp. Có thể gây chấn thương do quá tải tại khớp. Các thay đổi về tình trạng cơ học như trong thoái hóa khớp sẽ dẫn đến tăng nguy cơ chấn thương và tạo lực tải cao cho khớp hông, khớp gối và khớp cổ chân.

Ngoài ra, dùng máy chạy bộ hoặc chạy bộ dưới nước có tải trọng lên khớp gối và bàn chân.

Bơi lội và các môn thể thao dưới nước sẽ rất ít áp lực lên các khớp.

Khiêu vũ: Các nghiên cứu cho thấy khiêu vũ có tác dụng cải thiện sức khỏe và tăng khả năng vận động cũng như giảm đau, giảm bệnh và chống trầm cảm nhưng có thể gây tải trọng lớn cho khớp. Nguy cơ chấn thương cao. Không phù hợp với thoái hóa khớp nặng ở các vị trí hông, gối và mắt cá chân.

Leo cầu thang và máy tập nâng bước: Hoạt động chức năng, tương tự như đi bộ lên cầu thang. Nhiều tài liệu cho thấy, bệnh nhân trẻ có tổn thương khớp gối tập với máy tập nâng bước cũng có hiệu quả tốt.

BS. Mai Trung Dũng

(Phó Chủ nhiệm Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện 354)

Cần làm gì khi bị suy nhược cơ thể?

Suy nhược cơ thể là gì?

Suy nhược cơ thể là tình trạng bệnh lý kéo dài với những biểu hiện lo âu, khó ngủ, mệt mỏi, làm việc năng suất giảm... Có người vượt qua trong thời gian ngắn nhưng có người phải chữa dài ngày. Vậy, khi cơ thể suy nhược cần có chế độ ăn uống cân bằng, sinh hoạt khoa học.

Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cơ thể suy nhược. Ở một số người lao động quá sức, ăn uống kiêng khem, thiếu chất dinh dưỡng dễ dẫn đến cơ thể suy nhược. Đối với một số bệnh nhân do mắc bệnh lý tâm thần có biểu hiện rối loạn cảm xúc như bực tức, nóng nảy, đôi khi quá nhạy cảm dễ kích động. Khi đó, người bệnh thường mất cảm giác thích thú, thụ động, thiếu sức sống. Có hiện tượng rối loạn tình dục với những triệu chứng mất khoái cảm ở nữ và xuất tinh sớm, bất lực ở nam. Đối với một số người bệnh là sau khi phẫu thuật, sinh đẻ hoặc mắc một số bệnh lý mạn tính nào đó… khiến suy nhược cơ thể.

an-uong-day-du-chat-dinh-duong-giup-khac-phuc-suy-nhuoc-co-the

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng giúp khắc phục suy nhược cơ thể

Biểu hiện

Các triệu chứng hay gặp nhất là rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn, đôi khi có ác mộng. Có hiện tượng mỏi cơ như đau nhức cơ, chuột rút, đau lưng, mệt mỏi khi vận động. Thường thấy ù tai, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, sợ ánh sáng. Ngoài ra, còn có các rối loạn lo âu với cảm giác bồn chồn, khó chịu trong cơ thể, lo sợ, bi quan, mệt, uể oải, hay đổ mồ hôi trộm, da xanh xao tái nhợt, đôi khi ngất xỉu. Có cảm giác chán ăn, đầy hơi, buồn nôn, giảm ngon miệng, sụt cân.

Cách khắc phục suy nhược cơ thể

Cách khắc phục

Tùy theo nguyên nhân mà cách khắc phục cho phù hợp. Đối với bệnh nhân sau phẫu thuật, sinh đẻ… cơ thể giảm sút toàn thân thì bên cạnh thuốc trị bệnh chính cần bổ sung nước, điện giải, chú ý chế độ ăn uống.

Thực đơn ăn uống cần đảm bảo 4 thành phần (đạm, béo, bột đường, vitamin) nhưng cần bổ sung thêm nhiều rau xanh như súp lơ, cải chíp, những loại rau nhiều axit folic và vitamin tốt cho sức khỏe, dễ ăn. Những loại hoa quả có vị thanh như thanh long, nho, cam… Nên ăn nhiều những món ăn mà mình có cảm giác ngon và thích thú. Nếu ăn uống thấy không ngon miệng thì nên chế biến món ăn loãng, dễ tiêu.

Đối với người lao động quá sức ăn uống cần đủ chất đạm, lipit ( thịt, cá, trứng,…) và cần chú ý thêm chế độ nghỉ ngơi, học và làm việc hợp lý, nhất là đảm bảo giấc ngủ trưa từ 30 phút đến một giờ. Tránh những stress, tập thư giãn, tập thở là một trong những phương cách tốt giúp cơ thể điều chỉnh nhịp thở. Cần xoa bóp chân tay, nhất là vùng lưng và các khớp gối. Không uống cà phê, bia rượu, hút thuốc lá. Nếu các biểu hiện suy nhược không được cải thiện cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị thích hợp.

Đối với người bệnh suy nhược cơ thể do các rối loạn trầm cảm, lo âu và rối loạn thần kinh thì phải dùng các thuốc chống trầm cảm, lo âu. Việc điều trị phải liên tục và kéo dài trung bình sáu tháng đến hai năm và có bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tâm lý, nội thần kinh theo dõi.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc

5 món giúp trị suy nhược thần kinh5 món giúp trị suy nhược thần kinhSuy nhược thần kinh có chữa khỏi?Suy nhược thần kinh có chữa khỏi?Suy nhược thần kinh và suy nhược cơ thểSuy nhược thần kinh và suy nhược cơ thể

Không khám sức khỏe định kỳ: Sai lầm!

“Số đông người dân vẫn chưa chú trọng đến việc khám sức khỏe định kỳ. Đó là một sai lầm. Thực ra khi chưa có triệu chứng gây khó chịu hoặc thậm chí còn đang cảm thấy khỏe mạnh thì nhiều bệnh đã có thể đang âm thầm phát triển. Khi phát hiện thì bệnh đã trở nặng, chi phí điều trị cao, cũng có khi bệnh đã đi vào giai đoạn cuối có thể dẫn đến tử vong…”, Ths.BS. Trịnh Thị Diệu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, khẳng định.

Khổ vì quan niệm “bói ra ma, quét nhà ra rác”

Theo Ths.BS. Trịnh Thị Diệu Thường, khi cuộc sống tất bật và có quá nhiều lo toan như hiện nay, việc khám sức khỏe định kỳ được nhiều người xem như là một việc làm xa xỉ, lãng phí, tốn thời gian. Đáng lưu tâm hơn, có không ít người lại có quan niệm rằng: “bói ra ma, quét nhà ra rác”. Bác sĩ khám kiểu gì cũng ra bệnh. Đang yên vui bỗng dưng phải sống trong lo sợ, hoang mang vì bệnh tật. Thôi: “Trời kêu ai nấy dạ”. Ths.BS.Trịnh Thị Diệu Thường cho rằng, quan niệm như vậy là sai lầm. Có nhiều bệnh nguy hiểm khi mới mắc thường không có biểu hiện gì bất thường. Tuy nhiên, khi phát hiện ra với những triệu chứng điển hình thì bệnh đã ở vào giai đoạn rất nặng.

Cần đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm bệnh

Anh Võ Thành N. 36 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, đã phải thay đổi ngay quan niệm “bói ra ma, quét nhà ra rác” sau một lần bị bệnh “thập tử nhất sinh”. Anh rùng mình kể lại: trước đây anh thường bị ho, tức ngực. Mỗi lần như vậy anh lại tự ý đi mua thuốc ở nhà thuốc về uống. Cũng có một vài lần uống thuốc mãi không hết, anh đi khám bác sĩ. Bác sĩ ghi trên toa thuốc anh bị viêm phế quản. Dù bị như vậy nhưng mỗi năm khi công ty anh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên anh vẫn tự rút tên mình ra khỏi danh sách. Lý do là, sợ biết mình mắc bệnh lắm, kiểu gì đi khám, bác sĩ chẳng phán anh bị bệnh này bệnh nọ. Vào giữa năm 2010, anh bị ho dữ dội, khó thở và đầu óc thấy lơ mơ. Anh không nhớ mình nói gì, làm gì và đang ở đâu. Vào cấp cứu tại BV. Phạm Ngọc Thạch, anh được chẩn đoán bị lao phổi. Phát hiện bệnh trễ nên anh đã bị biến chứng lên não. Sau khi may mắn chữa khỏi bệnh, giờ anh là người đầu tiên ở công ty đăng ký khám sức khỏe định kỳ.

Ths.BS. Trịnh Thị Diệu Thường cho biết, khám sức khỏe định kỳ là việc làm rất quan trọng, giúp mỗi người phòng và phát hiện bệnh sớm, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng là dịp để có được cái nhìn tổng quát về sức khỏe bản thân, tránh được các lo lắng không cần thiết. Tuy nhiên, rất ít người ý thức được sự cần thiết của công việc này. Chẳng hạn, số liệu thống kê cho thấy, ở Việt Nam có khoảng 42 - 64% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Song hầu hết mọi người chỉ đi khám khi có bệnh mà không hề chủ động thăm khám định kỳ. Báo cáo của BV. Nội tiết Trung ương cho thấy có tới 65% số bệnh nhân bị mắc bệnh đái tháo đường mà hoàn toàn không biết mình đang bị bệnh. Như vậy sẽ rất nguy hiểm khi bệnh đã diễn tiến nặng và có nhiều biến chứng. Trong khi đó, nếu khám sức khỏe định kỳ hàng năm thì bệnh đái tháo đường sẽ được chẩn đoán sớm và chỉ bằng một xét nghiệm đơn giản.

Phát hiện nhiều bệnh nguy hiểm

Ths. Diệu Thường cho rằng, khám sức khỏe định kỳ có thể phát hiện ra nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh lao, tim mạch, các rối loạn chức năng hô hấp, cao huyết áp, ung thư phổi, dạ dày, vòm họng hay bệnh viêm gan siêu vi. Thường xuyên thăm khám sức khỏe kèm theo các xét nghiệm sẽ giúp phát hiện ra mình có nhiễm vi rút viêm gan: viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C hay không. Như vậy sẽ tránh được hậu quả là khi phát hiện ra bệnh thì đã có biến chứng xơ gan hay ung thư gan. Khám sức khỏe định kỳ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện các bệnh ung thư. Trong giai đoạn đầu, bệnh ung thư thường không có biểu hiện triệu chứng gì cả, tuy nhiên có những nhóm bệnh có nguy cơ ung thư cao cần phải đặc biệt chú ý.

Với các chị em phụ nữ, cần đi khám để phát hiện sớm và chữa trị các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm nội mạc tử cung, viêm buồng trứng, viêm ống dẫn trứng, u xơ tử cung nhằm tránh các di chứng nặng nề như viêm dính vòi trứng, gây vô sinh hoặc thai ngoài tử cung và đặc biệt là ung thư cổ tử cung. Phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên khám phụ khoa để phát hiện ung thư cổ tử cung ít nhất 3 năm/lần cho đến lúc 69 tuổi. Một xét nghiệm PAP (phết tế bào cổ tử cung) đơn giản có thể giúp phát hiện các tổn thương tiền ung thư của tế báo cổ tử cung. Các xét nghiệm máu về HPV (một siêu vi ở người có thể gây ra ung thư cổ tử cung) cũng có ý nghĩa tầm soát quan trọng.

Ths.BS. Trịnh Thị Diệu Thường khuyến cáo, để có hiệu quả tối đa cho mỗi lần khám định kỳ, cần chuẩn bị trước các thông tin để cung cấp cho bác sĩ khi đi khám bệnh như: tiền sử bệnh của bản thân (những lý do bị bệnh hay bị mổ, đã từng phải cấp cứu, những năm tháng đã có sự cố sức khoẻ, nếu có thể bản sao các xét nghiệm đã làm, biên bản phẫu thuật...); tiền sử bệnh của gia đình (bệnh tim, ung thư, cao huyết áp, đái tháo đường... mà người thân trong gia đình đã mắc, độ tuổi mắc bệnh và nếu có thể cả lý do tử vong); những thuốc thường dùng; những phản ứng của thuốc; đã tiêm chủng những bệnh gì… Có một vấn đề cần đặc biệt lưu tâm là nếu có bất kỳ một triệu chứng khó chịu nào đó, cần phải đi khám ở cơ sở y tế ngay không được chờ đến dịp khám sức khỏe định kỳ.

NGUYỄN HUYỀN

Những biến chứng gây nguy hiểm ở bệnh thủy đậu

Thủy đậu là một trong những bệnh có khả năng lây lan thành dịch cao nhất. Nhất là khi đối tượng mắc bệnh chủ yếu lại là trẻ em. Đối với nhữn...